Nền tảng thương mại điện tử là nguồn tài nguyên trù phú cho các tổ chức, cá nhân phát triển hoạt động kinh doanh với những phiên livestream đạt doanh thu lên tới trăm tỉ đồng, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho quản lý thuế.
Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) là nguồn tài nguyên trù phú cho các tổ chức, cá nhân phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời đại công nghệ số với những phiên livestream đạt doanh thu lên tới trăm tỉ đồng, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế.
Ngành thuế đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ
Công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số luôn được Tổng cục Thuế xác định là nhiệm vụ trọng tâm để chống thất thu, bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.
6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành những văn bản chỉ đạo quan trọng yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ các nhóm đối tượng người nộp thuế (NNT), tăng cường khai thác, rà soát cơ sở dữ liệu (CSDL) TMĐT.
Từ đó, ngành thuế tiếp tục làm đầy CSDL, rà soát chất lượng thông tin do sàn cung cấp, tổ chức thực hiện thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TMĐT; tăng cường công tác quản lý thuế lĩnh vực dịch vụ truyền hình, truyền thông, sáng tạo nội dung phát sinh thu nhập từ quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới, tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội…
Về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Tổng cục Thuế đã làm việc với đầu mối của các bộ, ngành, thống nhất về kế hoạch chi tiết việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ CSDL của Bộ Công an với CSDL về mã số thuế (MST) để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm MST theo quy định; hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế.
Đồng thời, bước đầu hoàn thành việc chia sẻ CSDL từ Bộ Công thương, Bộ TT-TT và Ngân hàng Nhà nước với Tổng cục Thuế.
Cụ thể gồm: dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu về 144 triệu tài khoản thanh toán gồm 10 triệu tài khoản của tổ chức và trên 134 triệu tài khoản của cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại. Qua đó, tiếp tục tạo nguồn CSDL phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với TMĐT.
Nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế hơn 4.000 tỉ đồng
Tổng cục Thuế đánh giá, công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, về rà soát các sàn thuộc diện cung cấp thông tin đến cơ quan thuế: đã có 383 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên cổng thông tin TMĐT, tăng 22 sàn so với số lượng sàn cung cấp thông tin lũy kế 5 quý (từ kỳ quý 4/2022 đến kỳ quý 4/2023).
Thứ hai, về rà soát thông tin do sàn cung cấp: qua việc triển khai rà soát, yêu cầu các sàn cung cấp lại thông tin đảm bảo thông tin cung cấp đầy đủ, sát với thực tế phát sinh trên toàn quốc, các sàn đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và việc tuân thủ quy định về cung cấp thông tin. Đã có 18/361 sàn đã thực hiện việc cung cấp lại thông tin đảm bảo đúng, đủ theo quy định.
Thứ ba, về thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT: 5 tháng đầu năm, doanh thu quản lý là 1,8 triệu tỉ đồng (xấp xỉ 71 tỉ USD); số thuế đã nộp khoảng 50.000 tỉ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 5 tháng năm 2023.
Thứ tư, về rà soát, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm: tổng số các doanh nghiệp, cá nhân thuộc diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế là 42.898, đã thực hiện kê khai, nộp thuế 9.979 tỉ đồng, tăng khoảng 3.480 tỉ đồng so với cùng kỳ; các trường hợp đã xử lý vi phạm là 4.560 với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỉ đồng.
Thứ năm, về quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN): đã có thêm 26 NCCNN mới đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam qua cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN.
Lũy kế kể từ thời điểm triển khai vận hành cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN (ngày 21.3.2022) đến ngày 19.6.2024, có 101 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử đến từ nhiều quốc gia như: Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Ireland, Thụy Sĩ, Úc, Anh…
Tổng số thuế các NCCNN đã khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử 6 tháng đầu năm là 4.039 tỉ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo tinnhanh247.net
Related news
Livestream bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, livestream bán hàng.
Sự kiện "Quảng bá doanh nghiệp đồng hành cùng sự phát triển bền vững trên hành trình công nghệ số"
Chiều 12/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cộng đồng Doanh nhân Tâm Giao, Viện Phát triển khoa học công nghệ Sài Gòn, Trung tâm Dịch vụ Truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh (Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam) phối hợp tổ chức sự kiện 'Quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp đến với cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam và các nước nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ', hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).
Xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử, vàng vẫn còn xuất... giấy viết tay
Hàng vạn cây xăng trên toàn quốc mỗi hóa đơn chưa tới trăm nghìn đồng vẫn phải áp dụng hóa đơn điện tử, trong khi giao dịch vàng tiền triệu đến tiền tỉ đến nay chưa áp dụng đồng loạt hóa đơn điện tử.
Cần có quy định bắt buộc người dân áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Ngành thuế cho rằng cần có quy định bắt buộc người bán phải áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.