Tại dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 119, cơ quan soạn thảo cho rằng, nội dung hóa đơn điện tử về cơ bản giống nội dung hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử đã được hướng dẫn tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, dự thảo thông tư hướng dẫn có bổ sung thêm chỉ tiêu: Mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và nội dung khác liên quan (nếu có).
Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ được Chính phủ ban hành từ 9/2018. Ảnh TL.
Riêng ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn theo hướng dẫn mới, cơ quan soạn thảo quy định: ký hiệu hóa đơn và ký hiệu mẫu số hóa đơn là một nhóm tối đa 7 ký tự bao gồm cả chữ viết và chữ số được thể hiện ở phía trên bên phải của hóa đơn (hoặc ở vị trí dễ nhận biết) để phản ánh các thông tin về loại hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn không mã, năm lập hóa đơn, loại hóa đơn điện tử được sử dụng.
Theo dự thảo, về chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán- người mua, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua trừ trường hợp có thỏa thuận giữa người bán và người mua thì hóa đơn điện tử có chữ ký số, ký điện tử của người bán và người mua.
Về thời điểm lập hóa đơn điện tử, cơ quan soạn thảo quy định xác định theo thời điểm người bán ký số, ký điện tử trên hóa đơn và phù hợp với thời điểm lập hóa đơn điện tử.
Về các nội dung khác trên hóa đơn điện tử, theo dự thảo, ngoài nội dung nêu trên, doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay lo-go để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán.
Đối với hoá đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai hoàn thuế sẽ thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
Theo tinnhanh247.net