Để triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư hệ thống phần cứng lẫn phần mềm lên tới hàng tỷ đồng. Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu lo lắng khó có thể đáp ứng quy định trong thời gian ngắn, có nguy cơ phải đóng cửa khi xin cấp lại giấy phép.
Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi Cục Thuế các địa phương liên quan đến vấn đề lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo đúng quy định. Cơ quan thuế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo Tổng cục Thuế, về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử, Luật Quản lý thuế quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hoá đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ”.
Tại Nghị định 123 về hoá đơn, chứng từ quy định: “Thời điểm lập hoá đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu”.
Việc áp dụng ngay quy định về hóa đơn điện tử có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm đứt nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, thực tế trong thời gian qua cho thấy vẫn có tình trạng việc quản lý, phát hành, sử dụng hoá đơn đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đúng quy định.
Chẳng hạn như cuối ngày mới xuất hoá đơn tổng đối với các trường hợp bán lẻ trong ngày; định kỳ hàng tuần, hàng tháng xuất 1 hóa đơn cho khách hàng với số lượng lớn. Thậm chí có trường hợp bán hàng hoá nhưng không xuất hoá đơn, không kê khai nộp thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mua bán hóa đơn thu lợi bất chính, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Do đó, để đảm bảo thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hoá đơn, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hoá đơn, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế khẩn trương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu tại địa phương. Xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hoá đơn, chứng từ không đúng quy định.
Thông tin này khiến nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu lo lắng bởi khó có thể đáp ứng quy định trong thời gian ngắn, cửa hàng có nguy cơ phải đóng cửa khi xin cấp lại giấy phép.
Anh Nguyễn Văn Trường, một thương nhân kinh doanh xăng dầu ở Hà Tĩnh, cho biết hiện nay hầu hết người dân mua xăng dầu không có nhu cầu lấy hoá đơn, chỉ trừ số ít doanh nghiệp, xe công vụ mới cần hoá đơn. Trong khi đó, để thiết lập hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu từ cột bơm xăng đến cơ quan thuế, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư hạ tầng, thiết bị, bao gồm phần mềm kết nối, các thiết bị tính toán dữ liệu, in sao hóa đơn... lên tới cả trăm triệu đồng.
Cụ thể, sau khi khảo sát, anh Trường dự kiến đầu tư phần mềm kết nối có chi phí 30 triệu đồng/cửa hàng; thay thế cột bơm xăng dầu cần 135 triệu đồng/cột bơm 1 vòi và 500 triệu đồng cột bơm 6 vòi; thay thế phần cứng là bộ đầu tính để đo đếm có chi phí 40 - 50 triệu đồng/cột bơm.
Theo tính toán trước đó của Bộ Công Thương, trường hợp mỗi cửa hàng có 4 cột bơm xăng, chi phí cho thiết bị in khoảng 3 triệu đồng một cột bơm, với 17.000 cửa hàng bán lẻ hiện nay, chi phí này khoảng hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, còn chi phí trang bị chip đồng bộ, kết nối máy tính để xuất hóa đơn theo từng cột bơm nhiên liệu.
Hiện nay mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng hóa đơn điện tử với hơn 2.700 cây xăng. Các doanh nghiệp lớn khác như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối. Còn hàng chục nghìn cây xăng của các doanh nghiệp bán lẻ khác chưa áp dụng do chi phí đầu tư lớn.
Trong dự thảo sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu vừa trình Chính phủ, Bộ Công Thương lo ngại việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, đứt nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Đáng lo ngại hơn là trong trường hợp xem đây là điều kiện bắt buộc trong cấp phép kinh doanh với cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ có số lượng lớn các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải ngưng hoạt động.
Theo báo cáo nhanh của 35/63 Sở Công Thương các tỉnh thành trên cả nước, số cửa hàng có giấy phép kinh doanh sắp hết hiệu lực và phải xin cấp mới là 1.894 cửa hàng (chiếm gần 20%). Riêng quý I/2024 có 752 cửa hàng ở 35 tỉnh, thành nếu phải thực hiện quy định hóa đơn điện tử có thể sẽ phải dừng hoạt động.
Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có kiến nghị xin lùi thời gian thực hiện xuất hoá đơn điện tử do nguồn lực và năng lực của các cây xăng có hạn. Theo Hiệp hội, nhiều nước trên thế giới cũng gặp không ít khó khăn khi áp dụng đồng bộ hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Do đó, để triển khai trên toàn hệ thống 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Bộ Công thương và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng, xây dựng lộ trình triển khai thực hiện cho phù hợp với đặc thù ngành xăng dầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết, nên doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tuân thủ khi kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn lộ trình cụ thể cho doanh nghiệp triển khai đồng bộ, vừa là để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, có một số ngành đặc thù như bán lẻ xăng dầu cần thời gian chuyển tiếp, cần lộ trình, nhưng về nguyên tắc lâu dài vẫn phải kết nối xuất hóa đơn trực tuyến. Việc hạch toán từng hóa đơn là đúng. Ví dụ, giá xăng dầu có thể điều chỉnh từng giờ, nếu để đến cuối ngày mới xuất sẽ không đúng giá thuế, phí.
“Kết nối hóa đơn điện tử sẽ đảm bảo công bằng giữa các cơ quan kinh doanh. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý mặt hàng xăng dầu cần làm việc đó một cách chặt chẽ. Nếu không kết nối trực tuyến sẽ có tình trạng gian lận thuế, buôn xăng, dầu giả”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Công điện về tăng cường quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách theo từng lần bán.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phải tăng cường tuyên truyền để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử.
Với trách nhiệm của cơ quan nhà nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trên cả nước được thông suốt, thuận lợi.
Bài viết quan trọng liên quan nên đọc: Giải pháp tối ưu để Quản lý bán hàng xăng dầu và xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán
Theo tinnhanh247.net
Tin liên quan
Tổng cục Thuế: Cửa hàng xăng dầu phải phát hành hóa đơn điện tử cho từng lần bán hàng
Các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo đúng quy định. Cơ quan Thuế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Dẹp góc khuất bán lẻ xăng dầu: Gắn trách nhiệm lãnh đạo cục thuế
Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng lãnh đạo cục thuế quyết liệt thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Đây là một phần trong việc dẹp góc khuất xăng dầu.
Lộ trình V1 của Pi Network gây thất vọng, ngày Pi Mainnet vẫn còn ‘xa xăm’
Pi Network dường như đã thực hiện tốt lời hứa phát hành lộ trình v1 trước cuối tháng 10, nhưng Pioneers bày tỏ sự thất vọng về việc thiếu thông tin và không có ngày cho Pi Mainnet.
17.000 cửa hàng xăng dầu có thể phải kết nối hoá đơn điện tử với thuế
Các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu có thể phải kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế theo lộ trình do Bộ Tài chính hướng dẫn.