Chiều ngày 16/6/2024, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành. Tòa án nhân dân tối cao được lựa chọn là đơn vị tổ chức hội nghị.

Tòa án điện tử là mô hình kiểu mẫu về chuyển đổi số

Thực hiện kế hoạch xây dựng tòa án điện tử, thời gian qua Tòa án nhân dân tối cao đã được sử dụng nhiều hệ thống CNTT tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của tòa án, qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ người dân tốt hơn.

Tòa án nhân dân tối cao hiện đã đưa vào sử dụng hệ thống quản lý hoạt động tố tụng. Mọi hoạt động tố tụng từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ, phân công giải quyết đến khi xét xử, thi hành án,... đều được tự động cập nhật trên hệ thống. Không chỉ lưu trữ, theo dõi, hệ thống còn đưa ra những cảnh báo, nhắc việc, giúp thẩm phán và người quản lý tránh nguy cơ vi phạm, sai sót.

Không chỉ vậy, mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành, xử lý hồ sơ công việc, theo dõi, giám sát kết quả,... quản lý, phát hành văn bản đi, đến trong, ngoài tòa án đều thực hiện trên một nền tảng số thống nhất. Việc quản lý nhân sự, quản lý và lưu trữ hồ sơ vụ án, tổ chức cuộc họp, hội nghị, đào tạo tập huấn, thống kê tổng hợp, giám sát thông tin, quản lý tài sản, trao đổi tài liệu đều được thực hiện trên môi trường số.

Các đại biểu dự hội nghị theo dõi phiên tòa xét xử trực tuyến tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Kể từ khi triển khai tòa án điện tử, ngày càng nhiều các dịch vụ tư pháp công trực tuyến được cung cấp cho người dân. Điểm sáng của tòa án điện tử còn là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với sự xuất hiện của trợ lý ảo như một thư ký riêng, hoạt động 24/7 để hỗ trợ các thẩm phán. Hàng chục nghìn phiên tòa xét xử trực tuyến cũng đã được các tòa án thực hiện trong thời gian qua.

Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử sẽ mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Theo ước tính của các chuyên gia và thực tiễn tại các nước, việc triển khai tòa án điện tử giúp tiết kiệm 10-15% chi phí hoạt động của tòa án và chi phí xã hội do hiệu quả được nâng cao.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Lê Anh Dũng

Về kinh tế, tòa án điện tử giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, tăng năng suất giải quyết công việc mà không cần đông biên chế, giúp tiết kiệm chi phí nhân lực. Việc cung cấp dịch vụ tư pháp công, tố tụng trực tuyến vừa thuận lợi, nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí bởi hoạt động tố tụng có thể thực hiện ở mọi lúc mọi nơi.

Trong khi đó, về xã hội, người dân sẽ được thụ hưởng một nền tư pháp văn minh, hiện đại, nhiều tiện ích, giúp họ có thêm lựa chọn về phương thức tham gia tố tụng. Tòa án điện tử còn góp phần nâng cao chất lượng đoán định tư pháp, giúp người dân lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp sáng suốt, hiệu quả hơn.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử đã được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm. Đây là cơ hội để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý.

Chuyển đổi số là phát triển phần mềm cho chính mình

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Tòa án nhân dân tối cao đã thành công bước đầu trong chuyển đổi số. Trong đó, thành công nhất là chuyển đổi số đã tạo nên những công cụ làm việc hàng ngày của 12.000 cán bộ có chức danh tư pháp.

Chuyển đổi số sẽ không thành công nếu chỉ là phong trào, đó là kết quả của một quá trình liên tục. Chuyển đổi số là một hành trình, không phải là mua một phần mềm về dùng như thời CNTT mà là phát triển các phần mềm cho chính mình. Phần mềm chuyển đổi số không phải là viết ra là xong mà sẽ được hoàn thiện trong quá trình sử dụng.

Chuyển đổi số thì phần mềm bao giờ cũng là do hai người cùng làm, doanh nghiệp công nghệ số và cơ quan Nhà nước. Họ phải đi với nhau, là đối tác chiến lược của nhau và doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực dành riêng cho dự án chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để chuyển đổi số thành công, cơ quan Nhà nước phải đặt rõ bài toán cho doanh nghiệp công nghệ số, dạy nghề, dạy chuyên môn ngành mình cho họ, đưa dữ liệu, đưa tri thức ngành cho doanh nghiệp để phát triển sản phẩm. Rồi sau đó, cơ quan Nhà nước phải trực tiếp dùng sản phẩm hàng ngày và liên tục đưa ra các yêu cầu hoàn thiện.

Phần mềm đã viết xong nhưng làm cho nó thông minh lên từng ngày lại chính là việc của cơ quan Nhà nước. Những người thông thái nhất của tổ chức phải dạy, truyền kiến thức của mình cho phần mềm chuyển đổi số, trợ lý ảo để những người khác sử dụng. Khi sử dụng trợ lý ảo để giải quyết công việc hằng ngày, người dùng sẽ phát hiện những cái chưa biết rồi tìm tri thức bổ sung cho trợ lý ảo.

Chuyển đổi số là thay đổi cách làm, cách vận hành tổ chức, là một cuộc cách mạng. Bởi vậy, khác với CNTT, chuyển đổi số cần đến người đứng đầu. Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp làm dự án chuyển đổi số đầu tiên, trực tiếp chỉ đạo công cuộc chuyển đổi số ngành tòa án là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Ngành tòa án phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam xác định chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, với người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực. Do đó, chuyển đổi số đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng.

Theo Thủ tướng, công tác chuyển đổi số quốc gia đã có bước chuyển biến rất tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nền tảng chuyển đổi số quốc gia được củng cố và phát triển trên tất cả 6 phương diện: Thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, dịch vụ số, kỹ năng số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Đến nay, 81,7% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng; 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang; 82,9% thuê bao di động đã sử dụng điện thoại thông minh.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đơn giản hóa 763/1.084 (trên 70%) thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hiện cả nước có 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản. Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử được triển khai mạnh mẽ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao kết quả chuyển đổi số ngành tòa án. Ảnh: Lê Anh Dũng

Với tòa án điện tử, Thủ tướng cho biết, đây luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp, là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật. Thủ tướng đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của ngành tòa án, nhất là trong công tác chuyển đổi số.

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành tòa án nói riêng. Đó là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số còn chậm; Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đáp ứng nhu cầu; Chất lượng cung cấp dịch vụ tư pháp công trực tuyến chưa cao; Hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; Kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu, số hóa dữ liệu còn nhiều hạn chế; An ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức…

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập sẽ ngày càng tác động sâu rộng, nhiệm vụ của ngành tòa án rất quan trọng, vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề. Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành tòa án tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, coi đây là một trong những công cụ quan trọng nhất, hỗ trợ đắc lực nhất, hiệu quả nhất trong tất cả các mặt công tác của ngành tòa án.

 

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/toa-an-dien-tu-se-cung-co-niem-tin-cua-nguoi-dan-vao-cong-ly-2292135.html

Tin liên quan

Đến 15/6 năm 2024, đơn vị nào mua bán vàng không có hóa đơn điện tử sẽ bị rút giấy phép
Đến 15/6 năm 2024, đơn vị nào mua bán vàng không có hóa đơn điện tử sẽ bị rút giấy phép

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.

Ngành thuế mạnh tay với doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh để trốn thuế
Ngành thuế mạnh tay với doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh để trốn thuế

Liên quan đến quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Tổng cục Thuế nhận thấy còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, xuất khống hóa đơn để tăng chí phí đầu vào. Vì vậy, cơ quan thuế đang đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế...

Vì sao mua, bán vàng buộc phải có hóa đơn điện tử?
Vì sao mua, bán vàng buộc phải có hóa đơn điện tử?

Một số đơn vị kinh doanh vàng bạc cho biết đã chấp hành nghiêm quy định về xuất hóa đơn điện tử, để làm minh bạch thị trường vàng.

Thủ tướng yêu cầu phải có hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng
Thủ tướng yêu cầu phải có hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng

cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng.

0918 501 776