Xu hướng điện tử ngày càng phát triển chính là điều kiện thuận lợi để phát triển hóa đơn điện tử (HĐĐT), góp phần mang lại những lợi ích không nhỏ cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Mạc Quốc Anh (ảnh), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, khi xu hướng giao dịch, mua bán bằng hình thức điện tử ngày càng phát triển, HĐĐT sẽ có những vai trò và lợi ích gì?
HĐĐT góp phần cắt giảm chi phí, hiện đại hoá hoạt động của doanh nghiệp. Để không bị tụt hậu trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá cũng như theo kịp xu thế, các doanh nghiệp luôn phải chủ động tìm hiểu và áp dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình vận hành. Sự phổ biến và phát triển ngày càng mạnh mẽ cũng như những lợi ích vượt trội của HĐĐT như nâng cao hiệu quả lao động, khả năng quản lý, quản trị tài chính.
Trong bối cảnh mọi doanh nghiệp đều đang đặt mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất, hoạt động vận hành để nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc sử dụng HĐĐT là một giải pháp hữu hiệu. Đơn cử như khi nói đến chi phí trung bình để phát hành hoá đơn, nếu áp dụng HĐĐT chi phí của doanh nghiệp để thực hiện phát hành hoá đơn giảm được nhiều so với trước đây. Theo các chuyên gia tính toán có thể giảm được 80%.
Bên cạnh đó, số lượng hoá đơn xuất ra hàng tuần, hàng tháng thường khá lớn, do đó ngoài việc cắt giảm được lượng lớn thời gian, chi phí thì sử dụng HĐĐT còn giúp công tác đối chiếu hoá đơn diễn ra nhanh chóng, tránh được nhiều sai sót.
Lợi ích của HĐĐT là không thể phủ nhận, song vẫn có một bộ phận DN còn e ngại sử dụng. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc triển khai HĐĐT còn gặp khó khăn. Đầu tiên phải kể đến tập quán và thói quen. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hay các hộ kinh doanh lâu nay vẫn sử dụng giao dịch mua bán bằng hoá đơn giấy. Nó đã trở thành quá thông dụng cho cả người bán và người mua (trong suy nghĩ của họ). Do vậy, khi phải thay đổi hình thức giao dịch này bằng hình thức giao dịch khác sẽ là điều khó khăn.
Khó khăn thứ hai đó là trình độ hiểu biết về công nghệ. Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cơ bản đều có xuất phát điểm thấp, làm ăn nhỏ lẻ manh mún, trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin không cao, chất lượng nguồn nhân lực kém. Khi không hiểu biết, không đủ kiến thức để vận hành cái mới thì họ ngại và không muốn thay đổi.
Khó khăn nữa đó là về chi phí đầu tư ban đầu. Để triển khai sử dụng chứng từ hoá đơn điện tử phải có máy tính, trang thiết bị nối mạng, dịch vụ đường truyền cùng nhiều chi phí khác. Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh là điều không đơn giản.
Để đạt được mục tiêu đến tháng 7/2022 HĐĐT có thể thay thế hoàn toàn hoá đơn giấy, ông có khuyến nghị gì không, thưa ông?
Trong thời gian tới, ngành Thuế cần tập trung nguồn lực tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp về lợi ích cũng như sự thuận lợi khi áp dụng HĐĐT, đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức nhiều cuộc hội nghị hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến các tổ chức, doanh nghiệp các bước chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và các thao tác lập, sử dụng HĐĐT. Qua các cuộc hội nghị, mọi vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế cần được giải đáp và tháo gỡ ngay.
Ngoài ra, cơ quan Thuế các tỉnh, thành phố cần thành lập tổ triển khai, công khai số điện thoại hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện HĐĐT. Qua đó, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, giải quyết các vấn đề về chi phí và lộ trình áp dụng HĐĐT.
Xin cảm ơn ông!
Thùy Linh (thực hiện)/(HQ Online)